Tin tức

Ngày đăng: 06/08/2021DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN BẬT CHẾ ĐỘ "SỐNG CHUNG VỚI DỊCH"
CafeLand - Chưa kịp hồi sức sau 3 đợt dịch, các doanh nghiệp bất động sản đã chịu thêm cú đấm bồi khi làn sóng Covid-19 thứ 4 diễn ra. Để ứng biến, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển sang trạng thái “sống chung với dịch” nhưng ảnh hưởng đến thị trường là điều không thể tránh khỏi.

Làm việc ở vị trí giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại quận 4, TP.HCM đã 5 năm, nhưng hơn một năm vừa qua là thời gian khó quên với anh H.H.T. Công ty chuyên bán các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng ở tỉnh, khi xảy ra dịch bệnh, khó khăn dường như nhân đôi khi nhân viên môi giới không thể gặp khách để tư vấn hay dẫn khách đi xem dự án.

Năm tháng qua, ngoài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kèo dài, dịch Covid-19 diễn ra 2 lần liên tiếp đã khiến nhiều kế hoạch của công ty chưa kịp khởi động đã phải tạm ngưng. Trong thời gian giãn cách xã hội, doanh nghiệp của T. phải triển khai các cuộc họp về kế hoạch bán hàng, triển khai phương án dự phòng qua các nền tảng trực tuyến. Các nhân viên môi giới buộc phải chuyển sang làm việc và tư vấn trực tuyến.

Theo anh T., trở ngại lớn nhất là hoạt động bán hàng bị chậm lại. Không ít khách hàng có tâm lý ngại xuống tiền trong thời điểm hiện tại khiến việc bán hàng trở nên khó khăn.

Doanh nghiệp bất động sản bật chế độ sống chung với dịch

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 như dội một gáo nước lạnh vào thị trường bất động sản mới chớm ấm lên

Không chỉ các doanh nghiệp môi giới, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 như dội một gáo nước lạnh vào thị trường bất động sản mới chớm ấm lên một chút nhờ hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư mới được ban hành.

Ngay lập tức, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch để thích nghi và “sống chung với dịch”, như trường hợp của Tập đoàn Hưng Thịnh.

Ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát trở lại, Hưng Thịnh đã tiếp tục siết chặt hơn các biện pháp phòng, chống Covid-19 như phun khử khuẩn văn phòng thường xuyên, bắt buộc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn khi làm việc, lắp đặt máy đo thân nhiệt tự động bằng camera hồng ngoại trước các văn phòng làm việc.

Khối Công nghệ thông tin của tập đoàn cũng xây dựng các phần mềm yêu cầu cán bộ nhân viên cập nhật lịch trình di chuyển hàng ngày. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng kích hoạt chế độ làm việc online và khuyến khích khách hàng giao dịch online để đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Tại các công trường, tất cả ban chỉ huy công trình đều thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch, chia ca làm hợp lý cho các đội thi công cũng như lực lượng công nhân. Công việc được sắp xếp sao cho vẫn đảm bảo xây dựng các hạng mục cần thiết để đáp ứng tiến độ dự án.

Đại diện Hưng Thịnh cho biết, chiến lược phát triển của tập đoàn được vạch ra trong 5-10 năm và hầu hết kế hoạch triển khai dự án. Nguồn cung sản phẩm cũng đã được đặt ra từ trước, do vậy việc xảy ra dịch bệnh không bị tác động nhiều.

Thừa nhận chịu tác động chung của thị trường và những khó khăn do Covid-19, nhưng đại diện Công ty CP địa ốc Phú Long cho rằng đây là khoảng lặng cần thiết để Phú Long nhìn lại và có sự chuyển đổi số, áp dụng những công nghệ mới nhằm gia tăng giá trị nội lực.

Dự phòng trước các tình huống dịch bệnh xảy ra nên khi xuất hiện các tình huống này, Phú Long đã ngay lập tức kích hoạt các kế hoạch đã được dự kiến trước đó để ứng phó với tình hình chung.

Theo đó, Phú Long đã đưa ra một kế hoạch dài hơi trong việc kinh doanh của mình. Cụ thể, khối kinh doanh của công ty đẩy mạnh việc kinh doanh các sản phẩm bất động sản qua hình thức trực tuyến, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận. Để làm được điều này, công ty đã chú trọng vào marketing và tư vấn online, đảm bảo chuyển tải đầy đủ thông tin đến khách hàng.

“Trong tương lai gần, công ty cũng sẽ sớm áp dụng hình thức booking online để tiếp cận được những tệp khách mới. Họ là những người am hiểu công nghệ, muốn sống và trải nghiệm ở những khu đô thị hiện đại do Phú Long phát triển”, đại diện Phú Long cho biết.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), để tăng sức chống chịu và vượt qua đại dịch Covid-19, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mà chỉ xin hỗ trợ cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục đầu tư xây dựng

HoREA đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm trình UBND TP.HCM ban hành văn bản hướng dẫn trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở trên địa bàn thành phố. Trong đó, hiệp hội đề xuất nội dung 4 bước thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp giấy phép cho dự án.

Ngoài ra, hiệp hội kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ ách tắc về việc nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại đã có quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp, hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, nhưng không được công nhận là chủ đầu tư